Gút là gì? Nguyên nhân và các triệu chứng nhận biết

Theo thống kê, hơn 8 triệu người Mỹ mắc bệnh Gút, một dạng bệnh gây viêm đau ở các khớp.
Gút là gì?
Gút là một thuật ngữ chung cho căn bệnh phát triển từ hiện tượng gia tăng uric acid với nồng độ cao trong máu. Sự tích tụ uric acid hay còn gọi là muối urat gây ảnh hưởng trầm trọng đến vị trí các khớp, đặc biệt là các khớp ở vị trí chân. Các cơn đau thường đột ngột và dữ dội, khiến những vị trí này thường sưng đỏ.
Bệnh Gút thường xuất hiện ở tuổi trung niên, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ hiện nay vẫn có thể xảy ra ở người dưới 30 tuổi. Bệnh này phổ biến hơn ở nam giới và phụ nữ tiền mãn kinh.
Thông thường, Gút được chia thành 4 giai đoạn chính với những triệu chứng khác nhau nhằm đưa vào áp dụng các cách điều trị bệnh gút tương thích:
– Chứng tăng uric acid máu không triệu chứng
– Gút cấp tính
– Giai đoạn tổn thương khớp bởi Gút cấp tính
– Gút mạn tính với sự xuất hiện của Tophi
Những nguyên nhân chính gây ra Gút
Gút là một căn bệnh phức tạp nên cách điều trị bệnh gút cũng vô cùng khó khăn. Có nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra bệnh Gút, bao gồm cả những rối loạn trong chuyển hoá và máu hoặc do hoạt động của thận không đủ nhanh trong việc loại bỏ uric acid qua đường tiểu sẽ khiến nồng độ uric acid gia tăng. Sử dụng nhiều rượu cũng có thể làm tăng uric acid nhanh chóng.
Một số loại thực phẩm giàu protein có thể làm tăng lượng uric acid máu gây ra bệnh Gút khi dùng quá nhiều bao gồm: trà, cà phê, cacao, động vật có vỏ, thịt đỏ, nội tạng động vật, nước ngọt, muối… và đặc biệt là rượu.
Việc thay đổi đột ngột chế độ ăn uống, tăng cân hay giảm cân cũng có thể dẫn đến bệnh Gút.
Gút cũng có thể phát triển nếu nồng độ uric acid máu không được kiểm soát hiệu quả. Nếu cơ thể mất nước hoặc đói, việc bài tiết uric acid trong cơ thể cũng có thể trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng nguy cơ phát triển các tinh thể muối urat tại vị trí các khớp, dẫn đến tình trạng viêm sưng.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, khi nồng độ uric acid quá cao sẽ phát triển thêm nhiều dấu hiệu khác ở da như việc hình thành các hạt tophi tại vị trí xung quanh khớp và sụn (sụn tai ngoài). Bệnh Gút cũng có thể gây ra viêm bao hoạt dịch nặng, là tình trạng viêm các túi chứa đầy dịch đệm có vai trò bảo vệ cơ bắp, gân, da vùng khớp gối, cổ tay, cổ chân, kéo theo tình trạng gây đau nhức, khó chịu khu vực này ở người bệnh.
Một số bệnh và hiện tượng rối loạn chẳng hạn như các vấn đề về thận hoặc tuyến giáp cũng có thể làm giảm khả năng cơ thể loại bỏ uric acid. Một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm thuốc lợi tiểu và thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine.
Một số căn bệnh cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Gút như béo phì, bệnh thận mãn tính, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và cholesterol cao,… làm cho cách điều trị bệnh gút gặp nhiều phiền toái hơn.
Bệnh thận có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh Gút
Uric acid dư thừa trong nước tiểu cũng có thể kết tinh và lắng đọng trong thận, lâu ngày làm tăng nguy cơ tạo thành sỏi thận.
Hầu hết những người mắc bệnh gút có mức uric acid cao trong một thời gian dài, thường lên đến 20 năm, trước khi cơn gút đầu tiên tấn công.
Các triệu chứng bệnh gút và biến chứng thường gặp khi bị Gút
Các triệu chứng bệnh gút xảy ra như một cuộc tấn công gần như không thể nhầm lẫn. Thông thường, một người bệnh gút khi đi ngủ thường cảm thấy khá tốt, tuy nhiên sau đó thức dậy vào ban đêm với các cơn đau dữ dội ở ngón chân cái (hơn một nửa số trường hợp bệnh gút đầu tiên liên quan đến khớp này). Khu vực bị ảnh hưởng trở nên đỏ, nóng và cực kỳ nhạy cảm khi chạm vào – ngay cả một tấm ga trải giường cũng có thể khiến khớp đau hơn. Vết sưng thường lan rộng trên bàn chân nhiều hơn, khiến người bệnh không thể mang giày. Một cơn sốt nhẹ cũng có thể xuất hiện.
Các cơn đau thường sẽ giảm dần trong vòng 3 đến 10 ngày, nhưng việc điều trị kịp thời có thể giúp cơn đau kết thúc nhanh hơn. Với cơn đau này được gọi là bệnh gút cấp tính hoặc viêm khớp gút cấp tính. Hầu hết những người bị bệnh sẽ có một cơn đau khác trong vòng hai năm tới. Các cơn đau có xu hướng tấn công thường xuyên hơn, kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn theo thời gian.
Khi gút mạn tính hình thành, tình trạng viêm tại các khớp vẫn tồn tại, đồng thời hình thành thêm các tinh thể muối urat có khả năng làm tổn thương vĩnh viễn hoặc làm biến dạng các khớp bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, tinh thể uric acid có thể tích tụ trong các mô khác ngoài khớp, tạo thành các hạt tophi, xuất hiện dưới dạng hạt màu trắng hoặc vàng dưới da, thường ở các ngón tay, ngón chân, sau khuỷu tay, phía sau gót chân và xung quanh vành ngoài của tai. Các tophi đôi khi có thể gây ra tình trạng lở loét ở da.
Những người mắc bệnh gút có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, bao gồm xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ). Vẫn chưa rõ liệu nồng độ uric acid cao có vai trò trong việc phát triển xơ vữa động mạch hay không, nhưng hầu hết những người mắc bệnh gút cũng có mỡ nội tạng cao và các yếu tố nguy cơ khác gây xơ vữa động mạch, chẳng hạn như huyết áp cao, lượng đường trong máu và cholesterol trong máu gia tăng. Những rủi ro này có thể được giảm đáng kể nếu áp dụng lối sống lành mạnh, khoa học và sử dụng các loại thuốc được chỉ định.
Bệnh gút có thể gây ra sỏi thận, có thể gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn hoặc đau khớp háng và đôi khi có máu trong nước tiểu. Hiện chưa rõ bệnh gút cấp độ nào có thể làm tổn thương thận ngoài việc gây ra sỏi thận.
Recommended Posts

Cứ tưởng trẻ không bị gút nhưng tôi đã nhầm
11/01/2019